Danh họa Nguyễn Phan Chánh – người đặt nền móng cho tranh lụa Việt Nam.
Tranh lụa đã cơ từ lâu đời tại các nước như Nhật Bản và Trung Quốc . Tại Việt Nam còn lưu lại một số bức tranh lụa vẽ chân dung Nguyễn Trãi, Phùng Khắc Hoan, Phan Huy Cẩn, Phan Huy Ích… song không rõ tác là ai. Năm 1925, khi trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương vừa mới khai giảng khóa đầu tiên, các giảng viên người Pháp tại trường đã khuyến khích sinh viên sử dụng chất liệu lụa và sơn mài để vẽ tranh. Tranh lụa Việt Nam hình thành từ đó. Danh họa Nguyễn Phan Chánh , người chọn lụa làm chất liệu chủ đạo trong suốt sự nghiệp sáng tác của mình, với tất cả đam mê và sự chuyên nghiệp, ông được nhiều người ví như ông tổ của tranh lụa Việt Nam.
Hình ảnh: Tranh lụa “Người Bán Hàng” của cụ Nguyễn Phan Chánh.
Những năm tháng ấu thơ vất vả đã cho Nguyễn Phan Chánh một vốn sống và nguồn cảm hứng bất tận trong các tác phẩm của ông chính là tình cảm đối với người nông dân. Một số bức tranh lụa nổi tiếng của ông: Ra đồng, chơi ô ăn quan, đám rước, người hát rong… vẫn còn lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ Thuật Việt Nam. Đặc biệt, bức họa “Người bán gạo” danh họa vẽ năm 1932 được bán đấu giá thành công, lập kỉ lục tại nhà Christie’s London với giá 390.000 USD do nhà buôn Pascal de Sarthe mua. Sẽ không quá nếu nói rằng danh họa Nguyễn Phan Chánh là người đã đưa tên tuổi tranh lụa Việt Nam vươn tầm thế giới. Tranh của ông là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa lối biểu tượng hình của phương Tây và lối tư duy phương Đông. Trong mỗi tranh lụa, ông đều kèm theo một vài dòng chữ thư pháp, là những tâm sự độc lập của ông về một vấn đề nào đó không liên quan đến nội dung tranh. Đó vừa là thói quen đặc biệt, vừa là nét riêng trong tranh lụa của Nguyễn Phan Chánh mà không ai có thể bắt chước được.
Kỹ thuật vẽ tranh lụa
Trước khi tiến hành vẽ tranh trên lụa, phải chọn được loại lụa tơ tằm thích hợp để vẽ. Không giống như tranh sơn mài, tranh sơn dầu, tranh lụa được gọi theo tên của nền vải, cho thấy sự quan trọng của lụa, nhất là đối với lụa tơ tằm là như thế nào để có được bức tranh đẹp, giá trị. Xét về yếu tố thời gian ra đời và phát triển thì tranh lụa Việt Nam còn quá non trẻ so với các nước như Trung Quốc, Nhật Bản nhưng tranh lụa Việt Nam có bản sắc rất riêng, về kĩ thuật vẽ, tạo hình cũng như cách sử dụng màu sắc khác hẳn với những quốc gia có tranh lụa trên Thế giới.
Hình ảnh: Tranh lụa “Ra Đồng” của cụ Nguyễn Phan Chánh.
Kỹ thuật vẽ tranh lụa cổ
Kỹ thuật vẽ lụa cổ là vẽ bằng màu tự nhiên. Người ta không rửa và chuốt mặt lụa quá nhiều, chủ yếu vẽ một lần được ngay, hoặc vờn ngay trên bề mặt. Nhưng kĩ thuật này đòi hỏi sự kiên trì bền bỉ của họa sĩ để nét vẽ được đẹp và bền màu vơi thời gian. Danh họa Nguyễn Phan Chánh thường phải mất hàng tháng trời mới có thể hoàn thành bức tranh lụa của mình.
Kỹ thuật vẽ tranh lụa hiện đại
Kĩ thuật vẽ tranh lụa hiện đại sử dụng thuốc nước. Lụa trước khi vẽ phải căng lên khung. Thông thường, lụa mới được quét một lớp hồ loãng, người vẽ nên rửa qua lớp hồ này để màu có thể ngấm vào thớ lụa. Người ta thường vẽ từ màu nhạt tới đậm, vẽ nhiều lớp màu chồng lên nhau để cho ra màu ưng ý. Thỉnh thoảng, khi màu đã khô, phải đem ra rửa nước làm cho cặn màu trôi đi, để cho màu ngấm vào từng thớ lụa, người hoạ sĩ có thể rửa lụa nhiều lần rồi vẽ lên nhiều lớp khác. Chính vì thế mà tranh lụa hiện đại Việt Nam có độ trong trẻo, sâu lắng, óng ả, êm dịu, vô cùng tinh tế.
Muốn cho các mảng màu cạnh nhau hòa vào với nhau không còn ranh giới tách bạch, tạo ra một hiệu quả mềm mại, mờ ảo, người ta vẽ khi mặt lụa còn hơi ẩm và không cần viền nét nữa.
Hình ảnh: Tranh lụa “chơi ô ăn quan” của cụ Nguyễn Phan Chánh.
Tranh lụa vẽ xong thường được bồi lên một lớp giấy, sau khi khô hoàn toàn, họa sĩ rạch phần tranh ra khỏi khung lụa để đưa vào khung kính, vừa tăng hiệu quả thẩm mỹ, vừa bảo vệ bề mặt lụa. Tuy nhiên, kĩ thuật này không giữ được tranh lụa lâu bền so với kĩ thuật vẽ trước đây. Bởi qua thời gian, lớp giấy bồi bong ra, tranh lụa cũng bị nát, không còn nguyên vẹn nữa. Tranh lụa Việt Nam là môn nghệ thuật cao cấp trong dòng chảy văn hóa dân tộc, là niềm tự hào của hội họa Việt Nam, bạn có thể đến Bảo tàng Nghệ thuật Việt Nam để xem tranh lụa của danh họa Nguyễn Phan Chánh.